Điện thoại: 024 38.387.717

Giới Thiệu Sách Mới Tháng 11 Năm 2021

Cập nhật: 19 Tháng Mười Một 2021 9:29:07 CH

Trường THPT Xuân Đỉnh

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH MỚI THÁNG 11

Năm học: 2021-2022

 Quý thầy cô và các em học sinh thân mến!

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Vâng, trong tâm thức của mỗi người con Việt Nam, chúng ta luôn tôn trọng và đề cao vai trò của người thầy: “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Người thầy luôn là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ học trò noi theo. Trong lịch sử của nước ta, hình ảnh người thầy cao quý, truyền dạy kiến thức cho thế hệ sau rất nhiều như các thầy giáo: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác,… Có rất nhiều những tấm gương sáng của nền giáo dục nước nhà được tôn vinh và khắc sâu trong tâm trí mỗi thế hệ học sinh. Do đó, nhân dịp kỉ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), cũng như tôn vinh, tưởng nhớ đến họ, chúng ta hãy cùng nhau khám phá và tìm hiểu thêm về lịch sử giáo dục và chuyện học hành thi cử ngày xưa của nước nhà qua buổi tuyên truyền giới thiệu sách của Thư viện trường THPT Xuân Đỉnh ngày hôm nay.

Cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt - Tập 2”, được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2017 trên khổ sách 21 cm, dày 356 trang, của các tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng. Cuốn sách tinh chọn 21 nhà sư phạm xuất sắc và nổi tiếng nhất trong ngành giáo dục Việt Nam từ xưa tới nay.

Mở đầu cuốn sách chúng ta được gặp ngay ông Trạng đa tài, người thầy của những tên tuổi. Đó chính là thầy giáo Lương Thế Vinh - một người thầy đa tài với nhiều lĩnh vực như toán học, Phật học và chính trị gia thời Lê sơ. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm, ông còn kiêm nhiệm Đổng bí thư giám trông coi kho sách của nhà vua và dành nhiều thời gian dạy học ở Quốc Tử Giám, đồng thời giữ chức Tự huấn của Sủng văn quán và Tú lâm cục, những trường đào tạo nhân tài cho đất nước với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau. Học trò của Lương Thế Vinh có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đạt, tiến sĩ năm Kỉ Sửu 1669; Trần Bích Hoành, thám hoa năm 1478; Trần Xuân Vinh, tiến sĩ năm 1499 và đặc biệt là Lương Đắc Bằng, thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xin mời quý thầy cô và các em học sinh cùng đón đọc từ trang 3 đến trang 16 của cuốn sách để hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông Trạng đa tài Lương Thế Vinh.

Không chỉ có tài thơ văn đặc sắc, Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm còn là một trong những nữ nhà giáo hiếm hoi được lưu danh qua các triều đại phong kiến Việt Nam vào thế kỷ 18. Cùng với việc mở ra loại hình giáo dục từ xa, bà còn là người mở ra hình thức khuyến học, đó là việc bà dùng tiền lương mở lớp học ở các làng quê, giúp đỡ các học trò nghèo có điều kiện được đi học. Cũng thông qua việc chấm thi, bằng tài năng, đức độ và tấm lòng trân trọng người tài, bà đã giúp triều đình lựa chọn tìm ra những người tài giỏi cho đất nước. Có thể nói công lao của bà đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà rất lớn, đương thời bà được các nho sĩ, danh sĩ và người dân đánh giá rất cao. Khi bà mất, nhân dân đã xây tháp mộ để hương khói. Trong số học trò nhỏ của bà về sau có nhiều người thành đạt, như Đào Duy Doãn quê ở xã Chương Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1763. Để hiểu rõ hơn về con người và sự nghiệp của bà xin mời quý thầy cô và các em học sinh cùng đón đọc trang 29 đến trang 48 để thấy được tài năng của nữ danh sư Đoàn Thị Điểm.

Kể đến những người thầy trong sử Việt, chúng ta không thể không nhắc đến thầy giáo Lê Quý Đôn. Là một người thầy xuất sắc nhất trong số các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ XVIII. Ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học và còn lưu được ân tình đằm thắm đối với học sinh. Thầy giáo Lê Quý Đôn xứng đáng với danh hiệu “Người thầy mẫu mực” và luôn được người đời tôn kính. Mời thầy cô và các em cùng đón đọc trang 65 đến trang 85 của cuốn sách để thấy được những quan điểm đúng đắn về giáo dục và đưa ra những phương pháp giảng dạy mới của ông được áp dụng cho tớ tận này nay.

Ở cuốn sách này, chúng ta không chỉ bắt gặp những người thầy lỗi lạc của Việt Nam mà còn có cả những người thầy ở các nước khác, người đã mang y học phương Tây đến Việt Nam. Đó chính là bác sĩ A. Yersin, một cậu bé nghèo nhưng lại hiếu học và đam mê y khoa, ông đã rời Pháp và đến Việt Nam để chuyền tải những kinh nghiệm quý báu về y học cho học trò, bạn bè và đồng nghiệp, chữa bệnh cho người dân khi sinh sống tại Việt Nam cho tới khi tim ông ngừng đập. Ông dừng chân tại mảnh đất Nha Trang và được người dân đặt bài vị tại chùa Linh Sơn và hàng năm nhân dân dâng hương tưởng nhớ tới vị danh y đã có những cống hiến to lớn cho nền y học Việt Nam và người dân nơi đây. Mời các em và quý thầy cô cùng đón đọc trang 191 đến trang 210.

Tiếp bước các thế hệ đi trước, chúng ta không thể không nhắc tới những người thầy như thầy Đặng Thai Mai - bậc danh sư thời hiện đại; Hoàng Xuân Hãn - nhà khoa học có công với nền giáo dục; Ngụy Như Komtum - Nhà vật lí làm hiệu trưởng “Tổng hợp”; Nguyễn Văn Chiển - Người Thầy của ngành khoa học về trái đất hay Hoàng Xuân Sính - Nữ giáo sư tiến sĩ toán học đầu tiên. Họ đã có những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà. Những ví dụ đó có thể coi là tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục của nước ta, được những người thầy tiếp nối từ thế hệ này cho đến thế hệ khác. Họ đã tạo nên những hiền tài cho đất nước và cũng chính họ là những người đã thắp sáng truyền thống văn minh Việt.

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh yêu quý!

 Qua cuốn sách giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử ngành giáo dục và chuyện học hành thi cử ngày xưa của Việt Nam cũng như tôn vinh những người Thầy đã âm thầm góp sức xây dựng quê hương đất nước. Đặc biệt, dưới ngôi trường có hơn 60 năm bề dày lịch sử, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo vẫn được thầy và trò trường TPHT Xuân Đỉnh kế thừa và phát huy.

Hiện nay, cuốn sách đã có tại thư viện và có kí hiệu phân loại 371, được xếp trên giá sách tham khảo có kí hiệu STK-007889. Xin mời quý thầy cô giáo và các em học xin cùng đón đọc.

Sach11

  Kính chúc quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh có một ngày lễ vui vẻ, công tác và học tập tốt để phát huy truyền thống hiếu học của nhà trường. Hẹn gặp lại quý thầy cô và các em  trong các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách lần sau. Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                   Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2021

                                                                     THƯ VIỆN TRƯỜNG THPT XUÂN ĐỈNH

Ban CNTT & Truyền thông