“ Đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng mục tiêu dạy học, phù hợp với cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”
Thực hiện Kế hoạch (số 01/KH-BNTL) ngày 27/09/2023 về việc tổ chức các hoạt động Cụm trường THPT Bắc – Nam Từ Liêm năm học 2023-2024.
Căn cứ nhiệm vụ do Trường Cụm trưởng Cụm THPT Bắc – Nam Từ Liêm phân công, ngày 2/3/2024, trường THPT Xuân Đỉnh tổ chức Sinh hoạt chuyên môn cấp cụm bộ môn Hóa học với mục đích nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá môn Hóa học phù hợp với cấu trúc định dạng đề thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Học hỏi được kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ra đề kiểm tra hiệu quả từ chuyên gia. Tạo cơ hội để giáo viên Hóa học trong cụm Bắc – Nam Từ Liêm giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Với phần chia sẻ của Tiến sĩ Dương Bá Vũ - Giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, các thầy cô giáo môn Hoá học trong cụm trường THPT Bắc- Nam Từ Liêm đã lĩnh hội được nhiều kiến thức và thông tin bổ ích. Buổi hội thảo giúp thầy cô hiểu rõ hơn sự khác biệt trong cách kiểm tra, đánh giá theo chương trình 2018 với chương trình 2006. Sự khác nhau về mục tiêu của chương trình sẽ dẫn đến sự khác nhau về toàn bộ các thành tố của quá trình dạy học, đặc biệt là phương pháp dạy và học. Sau nhiều năm giảng dạy theo chương trình 2006, các thầy cô quen với việc hỏi học sinh đã hiểu bài chưa sau mỗi giờ dạy vì mục tiêu của chương trình là học sinh biết gì và hiểu gì sau mỗi bài học. Nhưng câu hỏi đó không còn phù hợp với chương trình 2018 bởi yêu cầu của chương trình là “phát triển năng lực” của học sinh, học sinh phải trình bày được, mô tả được, giải thích được, so sánh được,… một nội dung cụ thể. Thay vì việc nghe thầy cô giảng và ghi chép bài thì giờ đây các em phải nói/ viết cho rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu về nội dung đó.
Văn bản của Bộ nói rất rõ về vấn đề này, các thầy cô giáo cũng đã được tập huấn. Tuy nhiên trên thực tế không phải thầy cô nào cũng hiểu rõ và thay đổi trong phương pháp dạy, cách kiểm tra, đánh giá. Học sinh thì vẫn quen với phương pháp “truyền thụ kiến thức” nên cách học vẫn thụ động.
Trong hơn một năm dạy học theo chương trình 2018, điều mà các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh quan tâm là kì thi Tốt nghiệp vào năm 2025, năm đầu tiên thực hiện chương trình mới có gì khác với những năm trước. Và khi đề minh hoạ của Bộ được công bố thì đã thấy rõ sự khác biệt. Nếu như trước đây “thi gì học nấy” thì bây giờ là “học gì thi nấy”. Định dạng đề thi khác, cách ra câu hỏi khác, các dạng bài tập cũng có sự khác biệt với chương trình 2006. Với cách thi này buộc học sinh phải thay đổi cách học, thay vì thụ động ngồi nghe giảng, các em bắt buộc phải đọc “SÁCH GIÁO KHOA” để có thể nói/viết một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu một vấn đề cụ thể theo yêu cầu của giáo viên.
Với các thầy cô thay vì vị trí là “người dạy” sang là người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động của học sinh.
Giáo viên cần tinh thông về các biểu hiện của yêu cầu cần đạt đối với mỗi bài, với mỗi nội dung, nắm rõ những yêu cầu về phát triển năng lực chung và năng lực đặc thù riêng đối với môn Hoá học để lên kế hoạch tổ chức hoạt động cho học sinh hiệu quả. Đồng thời giúp giáo viên ra câu hỏi kiểm tra không bị vượt quá yêu cầu cần đạt của bài học, ra những câu hỏi trong bối cảnh thực tế phù hợp.
Học sinh phải nắm rõ yêu cầu cần đạt với mỗi bài để có thể hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao. Có như vậy các em mới chủ động lĩnh hội kiến thức, phát triển được năng lực của bản thân và tự tin bước vào kì thi Tốt nghiệp cũng như các kì thi đánh giá năng lực.
Trong một khoảng thời gian ngắn để nói về một vấn đề rất lớn, rất quan trọng với các thầy cô. Bằng sự tâm huyết và nhiệt tình Tiến sĩ Dương Bá Vũ đã chia sẻ nhiều kiến thức quí báu, những góp ý của thầy giúp cho các thầy cô giảng dạy môn Hoá học trong cụm trường THPT Bắc- Nam Từ Liêm hiểu rõ hơn về sự đổi mới trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá đáp ứng được mục tiêu dạy học, phù hợp với cấu trúc và định dạng đề thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cuối buổi hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Như Quỳnh – Phó hiệu trưởng phụ trách trường THPT Xuân Đỉnh, thay mặt cho lãnh đạo của cụm đã kết luận và thống nhất một số nhiệm vụ tới các thầy cô giáo viên Hóa của cụm: Mỗi nhóm Hóa của các nhà trường sẽ thực hiện ngay những nội dung học tập của buổi hội thảo, chuẩn hóa các câu hỏi, bài tập kiểm tra; đầu tư soạn giáo án bài giảng theo hướng dẫn để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn.
Buổi hội thảo đã hoàn thành đúng kế hoạch, nội dung trao đổi chất lượng, các vấn đề vướng mắc được giải đáp rõ ràng, các thầy cô phấn chấn, tin tưởng hơn vào sự đổi mới của ngành, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Bài viết và hình ảnh: Nhóm Hóa trường THPT XĐ