Điện thoại: 024 38.387.717

Kế hoạch triển khai công tác ATTH-ATGT và qui định về sử dụng ĐTDĐ

Cập nhật: 08 Tháng Tám 2020 3:02:04 CH
Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, các biện pháp giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại đúng quy định trong và ngoài nhà trường giai đoạn 2013 - 2015 như sau...

  Tải KH triển khai công tác ATTH, ATGT và ĐTDĐ. 

 Kế hoạch của Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
Thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 12/5/2010 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường giáo dục pháp luật đạo đức, nếp sống cho học sinh; Quyết định số 3821/QĐ-UBND ngày 24/8/2012 về việc ban hành Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015 của UBND thành phố Hà Nội 

Căn cứ Quy chế phối hợp số 167/QCPH/SGD&ĐT- CATP ngày 15/9/2010  về việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học giữa Sở GD&ĐT và Công an Thành phố Hà Nội (Quy chế 167);
Căn cứ kết quả thực hiện Kế hoạch số 8269/KH-SGD&ĐT ngày 21/9/2011 về triển khai mở rộng mô hình điểm thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT và quản lý sử dụng điện thoại di động đúng mục đích, nội quy, quy định đối với cán bộ, giáo viên HSSV trong và ngoài nhà trường năm học 2011 - 2012, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, các biện pháp giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại đúng quy định trong và ngoài nhà trường giai đoạn 2013 - 2015 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.
1. Mục đích.
- Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Ban Giám hiệu, phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị trường học về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học trên địa bàn thành phố.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc giáo dục HSSV nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ; biết sử dụng điện thoại di động vào những công việc hữu ích.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cùng với ngành GD&ĐT, ngành Công an; ngành Giao thông vận tải Thành phố trong việc giải quyết vấn đề hai vấn đề: đó là công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và ý thức chấp hành Luật khi tham gia giao thông của cán bộ, giáo viên, HSSV trên địa bàn Thành phố.    
2. Yêu cầu.
- Các cơ quan, đơn vị quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố giao; có ý thức thực hiện kế hoạch một cách tích cực trong phạm vi quyền hạn.
- Các trường học và cơ sở giáo dục quán triệt nghiêm túc kế hoạch chỉ đạo của ngành tới từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức và HSSV; Chỉ đạo các thành viên trong trường thực hiện kế hoạch có hiệu quả;
- Từng bước tiến tới giải quyết dứt điểm không còn tình trạng mất an ninh, trật tự (ANTT) trường học và cán bộ, giáo viên, HSSV vi phạm Luật khi tham gia giao thông hay sử dụng điện thoại di động không đúng mục đích gây hậu quả xấu, phản tác dụng giáo dục. 
II. QUY MÔ, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN.
1. Quy mô thực hiện.
Triển khai áp dụng với tất cả các đơn vị trường học các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Đối tượng thực hiện.
Gồm tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học trực thuộc trên địa bàn Thành phố. 
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN.
1. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Lãnh đạo nhà trường chủ động phối hợp cùng cơ quan Công an phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động gây mất an ninh trật tự trường học phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xử lý các vấn đề về an ninh an toàn xã hội, vệ sinh môi trường có liên quan đến người học và cán bộ nhà giáo. 
- Ngay từ đầu các năm học, Lãnh đạo nhà trường phải chủ động phối hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh, Công an cùng cấp tổ chức lễ ký cam kết cho học sinh thực hiện tốt nội quy, quy định của nhà trường. 
- Chủ trì phối hợp cùng ngành Công an tổ chức tốt giao ban công tác an ninh trường học, các nội dung theo Quy chế 167.
- Khi xẩy ra các vụ việc gây mất ANTT trường học, Lãnh đạo các đơn vị phải báo cáo ngay đến cấp quản lý trực thuộc qua điện thoại và địa chỉ hòm thư điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo (qua phòng công tác học sinh sinh viên).
- Ngành GD&ĐT phối hợp cùng Công an Thành phố triển khai tập huấn công tác an ninh trường học cho cán bộ làm công tác bảo vệ theo Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
2. Quy định thực hiện pháp luật đảm bảo trật tự ATGT và sử dụng điện thoại di động đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV trong và ngoài nhà trường.
2.1. Thực hiện pháp luật đảm bảo trật tự ATGT.
 - Học sinh chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển xe mô tô, xe máy từ 50 phân khối trở lên tham gia giao thông và đi đến trường;
- Ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm có cài quai theo quy định;
- Khi đi xe mô tô, xe máy không được ngồi từ 3 người trở lên, đi đúng phần đường quy định, không tổ chức đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, vi phạm luật khi tham gia giao thông;
- Khi tham gia giao thông bằng xe đạp không được đi dàn hàng ngang và phải đi đúng phần đường quy định;
- Đi bộ phải đi đúng phần đường quy định, khi qua đường phải đúng nơi quy định dành cho người đi bộ theo chỉ dẫn của vạch kẻ đường cho người đi bộ và tín hiệu đèn giao thông;
- Khi tan học, học sinh không được đứng tụ tập ở cổng trường; phụ huynh học sinh đưa và đón con tập kết đúng nơi quy định không để ùn tắc giao thông ở cổng trường.
2.2. Thực hiện sử dụng điện thoại di động.
- Tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động trong các giờ học, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường;
- Ngoài các giờ quy định trên, không được sử dụng điện thoại di động vào những việc có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng;
3. Khen thưởng và kỷ luật.
3.1. Về khen thưởng:
Sở GD&ĐT phối hợp cùng Công an thành phố tổng hợp báo cáo và theo dõi đánh giá, hàng năm xem xét khen thưởng một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và ATGT.
3.2. Về kỷ luật:
3.2.1. Đối với các đơn vị trường học: 
Để xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học; để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên, HSSV vi phạm pháp luật - không có biện xử lý kịp thời; không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
3.2.2.  Đối cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên:
Căn cứ mức độ lỗi vi phạm và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành.
3.2.3. Đối với học sinh sinh viên: 
Trên cơ sở bốn mức quy định tại Điều 42 của Điều lệ trường phổ thông, - Ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011; Căn cứ Điều 4 - Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm được quy định trong Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông - Ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường quy định xử lý như sau:
- Vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi; Phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.
- Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2: Hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ; Trả về gia đình giáo dục trong 03 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương nơi cư trú.
- Đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu; Cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; Buộc thôi học 01 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.  
    IV.  BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI.
1. Thành lập Ban chỉ đạo. 
- Thành phần gồm: Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện Công an và chính quyền địa phương, đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha, mẹ học sinh.
- Phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo trong việc: trực ban, kiểm tra hàng ngày (có lịch phân công cụ thể kèm theo Quyết định); kịp thời giải quyết những sự việc mới phát sinh; cập nhật thông tin từ Công an địa phương, lực lượng dân phòng về số vụ việc học sinh vi phạm để có biện pháp giáo dục. Từ đó tổng hợp đánh giá tình hình, báo cáo giao ban trong Ban chỉ đạo và giao ban theo Quy chế 167.
2. Xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch.
Bám sát nội dung quy định và tình hình địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện; Triển khai Kế hoạch trong cấp uỷ Đảng, Ban Giám hiệu, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ban đại diện cha, mẹ học sinh và toàn thể học sinh các khối lớp trong nhà trường.
3. Thực hiện tuyên truyền cho các đối tượng. 
- Hình thức tuyên truyền cần đa dạng qua hệ thống truyền thanh tới từng cán bộ, công chức, học sinh trong nhà trường vào những thời gian thích hợp; qua hệ thống tờ gấp, pano, áp phích, bảng tin...; qua các hoạt động chuyên đề; qua việc tổ chức cho học sinh xem băng hình Công an Thành phố đã quay về diễn biến học sinh vi phạm ATGT; mời Công an về nói chuyện chuyên đề ATGT và công tác an ninh trường học.
- Thống nhất một số quy định: Hàng tuần, các nhà trường dành ít nhất 10' trong giờ chào cờ đầu tuần để tổ chức hoạt động ngoại khoá chủ đề ANTT trường học, giáo dục ATGT và sử dụng ĐTDĐ; các lớp dành ít nhất 10' trong giờ sinh hoạt lớp để đánh giá việc thực hiện công tác giáo dục ANTT, ATGT và việc sử dụng điện thoại di động của học sinh. 
4. Thực hiện công tác phối hợp. 
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị trong khu vực nơi trường đóng: thống nhất chủ trương, xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung và các biện pháp thực hiện kế hoạch; Kiểm tra, giải tỏa các điểm trông, giữ xe, các hàng quán trái phép gần cổng trường. 
5. Tổ chức ký cam kết với học sinh và cha mẹ học sinh.
Thống nhất với Ban đại diện cha, mẹ học sinh nội dung cam kết; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức để 100% học sinh và cha, mẹ học sinh ký cam kết theo nội dung quy định (phụ lục - gửi kèm).
6. Thực hiện giám sát, kiểm tra.
Ngoài công tác tự kiểm tra thường xuyên của nhà trường, thống nhất định kỳ Ban chỉ đạo kiểm tra đột xuất việc thực hiện của cán bộ, giáo viên, HSSV; các hàng quán, điểm trông, giữ phương tiện gần cổng trường: một tháng/lần. 
Hình thức kiểm tra cần linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức - chú trọng phương pháp ghi hình đối tượng vi phạm. 
7. Thực hiện xử lý vi phạm:
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, các nhà trường rà soát đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng nội dung quy định tại mục 3-phần III.
Trong xử lý, các nhà trường và cơ sở giáo dục thực hiện đúng thủ tục quy định; Hội đồng kỷ luật của trường xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm, không bỏ sót, bao che khuyết điểm của người vi phạm để đảm bảo tác dụng giáo dục.  
8. Thực hiện tổ chức giao ban và đảm bảo thông tin báo cáo:
Định kỳ: Ban chỉ đạo cơ sở tổ chức giao ban mỗi tháng/lần để báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đến bộ phận thường trực để tổng hợp thông tin, thông báo tới toàn ngành Giáo dục và các địa phương; 
Cụm các trường TCCN, THPT, Trung tâm GDTX, Phòng GD&ĐT, Công an và chính quyền địa phương giao ban ba tháng/lần; Báo cáo về Sở GD&ĐT để tổ chức giao ban trong ngành theo học kỳ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Trách nhiệm của Sở GD&ĐT và Công an Thành phố.
1.1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Thành lập Ban chỉ đạo Liên ngành; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong Ban chỉ đạo.
- Giao phòng công tác HSSV là đơn vị thường trực tham mưu giúp Ban chỉ đạo Liên ngành xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện triển khai kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ, tổng hợp số liệu, sơ kết, tổng kết;
- Văn phòng, phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Giáo dục Chuyên nghiệp, Kế hoạch Tài chính cử các thành viên tham gia Ban chỉ đạo và có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các trường học và cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện các biện pháp triển khai trong Kế hoạch. 
1.2. Đối với Công an Thành phố. 
- Cử lãnh đạo Công an Thành phố và cán bộ các phòng chức năng tham gia Ban chỉ đạo Liên ngành chỉ đạo thực hiện Kế hoạch;
- Phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chức năng của Công an Thành phố, Công an quận, huyện, thị xã; Công an các phường nơi trường đóng chủ động giúp đỡ các nhà trường thống nhất các biện pháp thực hiện kế hoạch;
- Chỉ đạo các đơn vị phụ trách địa bàn phối hợp với Sở GD&ĐT, các trường trên địa bàn quay camera ghi hình tình trạng HSSV vi phạm trật tự ATGT, tình trạng cổng trường giờ tan học; theo dõi, thống kê chính xác số lượng HSSV vi phạm ATGT và điện thoại di động để cung cấp cho ngành GD&ĐT xử lý vi phạm.
2. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan.
2.1. Sở Giao thông Vận tải và Văn phòng Ban ATGT Thành phố.
- Phối hợp với Sở GD&ĐT và giúp đỡ các nhà trường thiết lập các biển báo, các vạch chỉ dẫn khu vực để cha mẹ học sinh đưa, đón học sinh đến trường, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở cổng trường;
- Triển khai các tuyến xe buýt, điểm đỗ xe buýt phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia giao thông bằng phương tiện này.
2.2. Sở Thông tin và Truyền thông.
- Chỉ đạo phòng Văn hoá Thông tin các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Quyết định 15 và xử lý quán internet vi phạm quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp của Kế hoạch; thường xuyên đưa tin bài về tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ANTT, đảm bảo trật tự ATGT và sử dụng điện thoại di động.
3. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch của đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức giao ban, đánh giá rút kinh nghiệm;
Chỉ đạo Công an Quận, huyện, thị xã, UBND các phường, Công an các Phường đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè xung quanh các cổng trường; các điểm trông, giữ xe máy, các điểm kinh doanh internet; phối hợp với các nhà trường và các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trường học.
4. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ sở phối hợp với các đơn vị trường học đóng trên địa bàn có biện pháp chỉ đạo thanh thiếu niên phát huy vai trò của Thanh niên xung kích đi đầu trong thực hiện các quy định của Kế hoạch.
5. Hội khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng cùng vào cuộc và có ý kiến trực tiếp với địa phương tuyên truyền rộng khắp trong các khu dân cư: đề nghị CMHS không giao xe gắn máy phân khối lớn cho con tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện; có biện pháp xử lý thích đáng đối với những gia đình có con vi phạm Luật giao thông đường bộ.
3. Thời gian và tiến độ thực hiện kế hoạch.
3.1. Thời gian thực hiện: Từ năm học 2013 đến năm 2015.
3.2. Tiến độ thực hiện kế hoạch.
- Năm 2013: Các đơn vị thành lập Ban chỉ đạo; Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
- Từ tháng 1 năm 2013: Thực hiện theo Kế hoạch năm học. 
 Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV;
 Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm - Theo lịch hàng tháng.
 Đánh giá, giao ban rút kinh nghiệm chỉ đạo theo quy định.
 Tổ chức sơ kết hàng năm và tổng kết vào quý 4 năm 2015.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN. 
Các đơn vị sử dụng ngân sách Thành phố cấp cho các hoạt động giáo dục theo quy định chế độ tài chính hiện hành. 
Yêu cầu đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch đạt hiệu quả cao.


Giám đốc:
Đã ký
Nguyễn Hữu Độ