Điện thoại: 024 38.387.717

Giải đáp thắc mắc kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Cập nhật: 08 Tháng Tám 2020 3:02:39 CH
Các thầy cô giáo và các em học sinh chú ý theo dõi! Thông tin sẽ được website nhà trường liên tục cập nhật để giải đáp các thắc mắc của các em học sinh!

 


Dưới đây là một số câu hỏi, thắc mắc phổ biến của các em học sinh trước thềm thi THPT Quốc gia.

-  Nếu đăng ký nguyện vọng 1 ở ngành A của trường 1 mà không đậu, thì nguyện vọng 2 của em ở ngành A của trường 2 có bị xếp sau nguyện vọng 1 của trường 2 không?

- Trả lời:

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ (các trường CĐ sư phạm) năm 2017, thí sinh đăng đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 cao nhất).

Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký (trừ trường hợp các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn).

Nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký.

Như vậy, theo quy chế, nếu đăng ký nguyện vọng 1 ở ngành A của trường 1 không đậu, nguyện vọng 2 của bạn ở ngành A của trường 2 được xếp bình đẳng với các nguyện vọng 1 của trường 2.

 

Em đoạt giải ba môn Ngữ văn quốc gia có chắc chắn được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh thương mại của ĐH Ngoại thương không?

- Trả lời:

ĐH Ngoại thương chưa công bố điều kiện tuyển thẳng năm 2017. Tuy nhiên, theo quy định của trường tại mùa tuyển sinh 2016, bạn không đủ điều kiện để tuyển thẳng vào bất cứ ngành nào, mà chỉ thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khuyến khích.

 

Em là thí sinh tự do ở tỉnh Bến Tre thì phải thi ở đâu?

- Trả lời:

Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017, bạn là thí sinh tự do nên có thể thi bất cứ tại đâu thấy thuận tiện nhất.

 

Em là thí sinh tự do, muốn thi vào ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì mua và nộp hồ sơ ở đâu? Em quê Thái Bình, hiện sống ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), có thể thi ở Hà Nội không?

- Trả lời:

Theo quy chế năm nay, em có thể đăng ký dự thi tại Hà Nội. Vì em thuộc đối tượng thí sinh tự do nên có thể mua hồ sơ, đăng ký dự thi tại các điểm thu hồ sơ của thí sinh tự do do Sở GD&ĐT Hà Nội quy định.

Sau khi em đăng ký dự thi, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phát giấy dự thi. Địa điểm thi ở đâu do sở GD&ĐT Hà Nội quyết định và thông báo trong giấy dự thi cho em!

 

Thí sinh tự do thì được hưởng ưu tiên như thế nào? 

- Trả lời:

Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh (TS) học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Tuy nhiên, quy chế này cũng ghi rõ, học sinh có hộ khẩu thường trú trong thời gian học THPT trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới… nếu học THPT tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên thì được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu.

Đối chiếu với trường hợp trên, nếu TS học tại trường THPT đóng trên địa bàn các xã có thôn đặc biệt khó khăn, xã khó khăn, xã biên giới… theo quy định của quy chế sẽ được hưởng ưu tiên KV1. Ngược lại, nếu trường THPT nơi TS không thuộc địa bàn trên TS chỉ được hưởng ưu tiên KV2-NT.

+ Em là một thí sinh tự do ở Quảng Trị, nhưng vì lý do khách quan em muốn dự thi tại cụm thi Hà Nội có được không ạ. Nếu muốn đăng ký dự thi tại cụm thi HN, em phải đăng ký ở đâu ?”

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ trả lời: Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT được quyền chọn nơi thi và nơi đăng ký dự thi. Tuy nhiên TS này đăng ký dự thi ở đâu sẽ dự thi ở đó.

Trong trường hợp này, TS đăng ký dự thi tại Hà Nội sẽ dự thi tại các điểm do Sở GD-ĐT Hà Nội quy định. Còn thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT phải đăng ký và dự thi tại cụm thi nơi TS học THPT.

 

- Em tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 và đạt 7 điểm môn vật lý. Năm nay em thi lại và muốn bảo lưu điểm môn này để không phải thi lại mà vẫn có thể sử dụng kết quả cho việc xét tốt nghiệp và xét vào ĐH được không, thủ tục ra sao?

- Trả lời:
Theo ông Lê Ngọc Linh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Tiền Giang), quy chế thi năm nay cho phép thí sinh được bảo lưu điểm khi dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi. Khi đó, thí sinh được bảo lưu điểm của các bài thi, môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi trước để xét công nhận tốt nghiệp trong năm nay.
 
Trường hợp thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu sẽ phải thi lại tất cả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp. Còn việc xét tuyển, việc sử dụng hoặc không sử dụng điểm bảo lưu sẽ do từng trường quyết định.
 
Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể thủ tục xác định điểm bảo lưu của thí sinh. Với thí sinh đã đăng ký dự thi năm 2016 tại trường phổ thông, trường này sẽ căn cứ kết quả điểm thi thực tế của thí sinh để xác định điểm bảo lưu cho thí sinh. Còn với thí sinh tự do đến từ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khác, điểm bảo lưu do cơ quan chủ quản của trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm 2016 xác nhận.
 
Theo phương án tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường ĐH đều không sử dụng điểm bảo lưu cho xét tuyển vào trường.

 

- Em không biết ngành tài chính công sẽ học những gì, ra trường làm việc ở đâu? Nó khác tài chính doanh nghiệp như thế nào?

Em học lực khá liệu có cơ hội đậu ngành này của trường ĐH Tài chính - Marketing hay không? (Nguyễn Thu An, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
 
Trả lời:
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Trường ĐH Tài chính - Marketing: Chuyên ngành Tài chính công của Trường ĐH Tài chính - Marleting thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng. Em sẽ được đào tạo và nắm bắt chuyên môn, các nghiệp vụ kỹ năng về tài chính, tiền tệ, ngân hàng, cách thức quản lý tài chính công, các chính sách về thuế, nguyên lý phân tích lợi ích về chi phí...
 
Khi ra trường, em có thể tham gia công tác, làm việc tại các sở tài chính cấp tỉnh, thành phố, các phòng kế hoạch tài chính cấp quận, huyện; cục thuế và chi cục thuế, cục hải quan, chi cục hải quan, cảng biển, hệ thống kho bạc nhà nước, các sở y tế, các sở giáo dục, sở tài nguyên, bệnh viện, hoặc có thể tham gia giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ.
 
Về chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, em sẽ được đào tạo và nắm bắt chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về thị trường tài chính, về xây dựng và thẩm định dự án đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định tài trợ, quyết định phân phối dòng tiền trong doanh nghiệp, phân tích tài chính, hoạch định các chiến lược về tài chính, quản trị tài chính cho các công ty, doanh nghiệp, quản trị rủi ro tài chính hay đầu tư tài chính...
 
Tốt nghiệp tài chính doanh nghiệp em sẽ trở thành một chuyên viên tài chính có thể đảm nhận công tác tài chính tại các ngân hàng thương mại, các công ty, tổng công ty sản xuất, kinh doanh hoặc các đơn vị đào tạo chuyên ngành có liên quan đến tài chính doanh nghiệp.
 
Với học lực khá, em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường với ngành tài chính - ngân hàng, chuyên ngành tài chính công, tài chính doanh nghiệp...
 
- Ngành văn học của Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cần có tố chất gì? Có nhất thiết phải có khả năng thuyết trình hay không? Em có phải làm bài thi năng khiếu không và tốt nghiệp em có khả năng làm việc gì, ở đâu? (Nguyễn Thị Thu, HS Trường THPT Di Linh, Lâm Đồng)
 
Trả lời:
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Ngành văn học cung cấp các kiến thức về các khuynh hướng, trào lưu của một số nền văn học nghệ thuật lớn trên thế giới; văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại; phương pháp nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học và nghệ thuật; các kỹ năng về viết báo, biên tập báo chí, xuất bản,…
 
Do đó, để thành công trong lĩnh vực này đòi hỏi em phải có khả năng viết văn, cũng như khả năng cảm thụ văn học.
Sau khi tốt nghiệp em có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu văn học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện và các trung tâm nghiên cứu; phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản; cũng như công tác văn phòng tại các cơ quan văn hóa và kinh tế.
 
- Em học hết lớp 12 năm 2011, bây giờ em muốn dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên em đã mất học bạ THPT bản gốc. Vậy có cách nào để em tiếp tục đăng ký dự thi không? (quangbao1993@gmail.com)
- Trả lời:  
Ông Lê Ngọc Linh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Tiền Giang): Theo hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2017 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.
 
Trong trường hợp này, thí sinh không thể làm lại học bạ bản gốc mà phải xin xác nhận bản sao học bạ đã được cấp trước đó. Khi có giấy xác nhận này, thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi bình thường.
 
- Tôi ở Gò Vấp (TP.HCM), muốn mua hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Tôi có thể mua và nộp hồ sơ ở đâu? Tôi đã đi tìm ở các nhà sách nhưng không có bán(nhiqui1979@gmail.com)
 
- Trả lời:
Ông Nguyễn Công Kỳ, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Theo quy định, học sinh đang học tại các trường THPT sẽ khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi ngay tại trường. Hồ sơ (phiếu đăng ký) sẽ do trường phổ thông phát trực tiếp.
 
Với thí sinh tự do, việc đăng ký thực hiện tại các địa điểm do sở GD-ĐT quy định dành cho đối tượng thí sinh tự do. Các thí sinh này đến các điểm thu nhận này để mua phiếu đăng ký.
 
Như vậy, thí sinh tự do tại TP.HCM có thể liên hệ các điểm thu nhận hồ sơ dành cho thí sinh tự do của Sở GD-ĐT TP.HCM quy định. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1-20.4.
 
- Em có điểm IELTS 4.0 (tổ chức tại British Council). Em được đăng ký miễn thi ngoại ngữ. Nhưng em muốn có phiếu xác nhận miễn thi và điểm phiên ngang (qui đổi) được không? (vì có một số trường yêu cầu: "Phải làm thủ tục miễn thi và trường chỉ sử dụng điểm đã được qui đổi để xét tuyển"). Vậy, em phải làm thủ tục gì, ở đâu hoặc như thế nào ? Kính mong Ban Tư vấn giúp đỡ. Trân trọng cảm ơn! (ytrung59@yahoo.com.vn)

Trả lời:

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Theo quy định, điểm IELTS của em đủ điều kiện để miễn thi tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, đa số các trường ĐH lại chỉ xét tuyển môn tiếng Anh từ điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, em phải thi tốt nghiệp môn tiếng Anh mới có thể xét tuyển.

Có thể có một số trường chấp nhận xét tuyển từ điểm chứng chỉ ngoại ngữ tùy theo đề án tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, nếu có thì số trường này cực kỳ ít ỏi. Em có thể liên hệ với trường để hỏi thêm về thủ tục miễn thi cũng như xét tuyển.

 

- Em đang có ý muốn đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nhưng không biết trường có những chỉ tiêu xét tuyển đầu vào như thế nào? Ví dụ như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì yêu cầu điểm trung bình mỗi môn trong 3 năm học phổ thông phải trên 6,5 điểm mới xét tuyển (anhduy3299@gmail.com)

Trả lời:

PGS.TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: Cũng như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và các trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM đều cùng có yêu cầu đầu vào: điểm trung bình 3 năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên, hạnh kiểm Khá.

Riêng tại trường, năm nay có bổ sung nhiều tổ hợp môn ở mỗi ngành để thí sinh chọn lựa môn thi phù hợp mình. Vì vậy, em có thể tham khảo thông tin tuyển sinh trên website trường để lựa chọn ngành xét tuyển một cách hợp lý.


- Nếu khi đăng ký xét tuyển trực tuyến em ghi một thông tin ngành bị sai thì 3 nguyện vọng còn lại của em có được ghi nhận hay không? Em có thể chỉnh sửa thông tin sau khi thi được hay không?”.
 
Hồng Hà (THPT Đạ Huoai, Lâm Đồng) thì băn khoăn: “Nếu trong phiếu đăng ký em ghi thứ tự ưu tiên 1 là Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, ưu tiên 2 là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhưng khi biết điểm thi, em muốn thay đổi thứ tự nguyện vọng thì có khó khăn gì hay không?”.
 
- Trả lời:
Liên quan đến các thắc mắc này, PGS-TS Trần Văn NghĩaCục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết nếu thí sinh đăng ký trực tuyến có sai sót về mã ngành, mã trường, tên trường…, máy tính sẽ tự động báo ngay cho người đăng ký để chỉnh sửa. Thí sinh chỉ cần cân nhắc chọn ngành nào, thứ tự nguyện vọng ra sao. Vì vậy, thí sinh nên đăng ký trực tuyến. Vì nếu đăng ký bằng phiếu có thể sẽ dẫn đến sai sót và thí sinh lại phải chỉnh sửa một lần nữa sau khi thi.
 
Theo quy định, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được phép chỉnh sửa một lần trong thời gian quy định. Thí sinh không được tăng thêm nguyện vọng đăng ký khi chỉnh sửa online. Nếu tăng thêm nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký bằng phiếu đăng ký dự thi. Mỗi nguyện vọng tăng thêm thí sinh phải đóng thêm lệ phí như quy định.
 
Đối với thí sinh thi vào các trường công an, quân đội, bắt buộc phải nhập thông tin ngành dự thi của các trường này ở thứ tự ưu tiên 1, sau đó mới đến các ngành của trường bình thường. Thí sinh vẫn có thể chỉnh sửa thứ tự ưu tiên sau khi có kết quả thi.
 
Tuy nhiên, TS Nghĩa khuyên các em không nên thay đổi thứ tự ngành, trừ khi các em thấy mình không thích thi vào công an, quân đội nữa. Ở thời điểm xét tuyển nguyện vọng 1, có thể nói lợi thế giữa các ngành đăng ký theo thứ tự ưu tiên không đáng kể. Thí sinh vẫn được xét trong đợt 1 theo thứ tự đăng ký chứ không phải bị chuyển qua đợt 2. Vì vậy, khi chưa biết điểm trúng tuyển vào các ngành công an, quân đội trong năm nay, thí sinh vẫn còn hy vọng. Nếu không trúng tuyển thì thí sinh vẫn được tiếp tục xét các ngành theo thứ tự sau đó.
 

* Khi nào huyện đội bán hồ sơ tuyển sinh vào khối trường quân đội?

Đại tá Vũ Xuân Tiến (trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng): Theo quy định của Bộ Quốc phòng, từ ngày 1-3 đến 25-4, cơ quan quân sự các địa phương - trực tiếp là ban quân sự cấp huyện, cấp quận - tổ chức bán hồ sơ và sơ tuyển.

Trong thời hạn này, các em đến ban quân sự cấp quận, huyện để đăng ký sơ tuyển và được hướng dẫn làm các thủ tục kê khai hồ sơ, thực hiện khám sơ tuyển sức khỏe đảm bảo đúng quy trình.

* Em rất băn khoăn về cách thi năng khiếu báo chí, trong tuyển sinh đầu vào các chuyên ngành báo chí của Học viện Báo chí và tuyên truyền. Bài thi năng khiếu sẽ được thực hiện ra sao? Ngành báo chí có còn được xếp vào nhóm ngành “nóng” và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai không?

TS Vũ Thị Kim Hoa (phó trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền): Bài thi năng khiếu báo chí gồm hai phần: thi trắc nghiệm 30 phút, với những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, và thi tự luận trong vòng 120 phút.

Phần thi tự luận có một bài sửa lỗi câu, từ trong một văn bản báo chí và một bài luận viết về một vấn đề thời sự, trong đó yêu cầu thí sinh phải nêu được quan điểm của mình trước vấn đề đó như thế nào.

Ví dụ, trong bài thi năng khiếu báo chí năm 2016, đề bài yêu cầu thí sinh nêu quan điểm về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và vấn đề giữ gìn bảo vệ môi trường hiện nay.

Tiêu chí để chấm bài là đề cao những phát hiện mới, những lập luận sắc bén và cách diễn đạt hay của thí sinh. Đề thi năng khiếu báo chí không khó với những bạn đã yêu ngành báo chí.

Về quan điểm ngành “nóng”, các em cần nhận thấy rằng trong xã hội phát triển hiện nay, có lúc ngành này có nhu cầu tuyển dụng cao hơn, ngành kia có nhu cầu tuyển dụng từ thị trường thấp hơn và ngược lại.

Với ngành báo chí, điều quan trọng nhất là sự đam mê, yêu thích, để từ niềm đam mê ấy các em nỗ lực, cố gắng hơn đeo đuổi đam mê của mình. Khi đã cố gắng thì không bao giờ cơ hội nghề nghiệp từ chối các em.

* Năm ngoái em thi rớt tốt nghiệp THPT. Năm nay em muốn đăng ký thi lại tốt nghiệp và ĐH thì hồ sơ đăng ký của em cần phải có những gì? Trong 3 môn thi bắt buộc: toán, văn, tiếng Anh, em còn phải đăng ký thi những môn nào nữa để có thể vừa xét tốt nghiệp vừa được xét tuyển ĐH?

(lamha...@gmail.com)

- Để xét tốt nghiệp THPT bạn phải dự thi 3 môn bắt buộc toán, văn, tiếng Anh và một trong hai môn tự chọn là các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) hoặc có thể dự thi cả hai môn tổ hợp, chọn môn có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp THPT.

Cần lưu ý, bạn thi để xét tốt nghiệp THPT nên khi chọn bài thi tổ hợp nào bạn phải làm tất cả các môn thi trong tổ hợp đó, bởi điểm liệt khi xét tốt nghiệp là 1 (đối với cả bài thi tổ hợp và từng môn thi thành phần), nếu bỏ một môn nào bạn sẽ bị điểm liệt và rớt THPT.

Như thế, bạn có thể tùy chọn các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH để đăng ký xét tuyển. Bạn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH cùng lúc với khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017.

Với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT tham gia thi THPT quốc gia 2017, hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia cần có: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; học bạ THPT; học bạ hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với giáo dục thường xuyên (bản sao); các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 ảnh cỡ 4x6cm, 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.

Ngoài ra, thí sinh phải nộp giấy khai sinh (bản sao); bằng tốt nghiệp THCS (bản sao); giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.

* Tôi đã tốt nghiệp THPT năm 2013. Năm nay tôi muốn xét tuyển tổ hợp toán, lý và sinh. Như vậy tôi có phải làm hết ba môn thi lý, hóa và sinh trong bài thi khoa học tự nhiên không, thời gian làm bài thế nào?

(haiduong...@gmail.com)

- Theo quy định, chỉ học sinh lớp 12 mới phải làm tất cả các môn thi trong bài thi mình đã đăng ký dự thi.

Thí sinh tự do có nguyện vọng xét tuyển ĐH chỉ cần dự thi những môn nào mình muốn dùng để xét tuyển. Trong trường hợp này, bạn cần đăng ký dự thi môn toán và các môn vật lý, sinh học. Trong phiếu đăng ký dự thi sẽ có mục chọn các bài thi thành phần để thí sinh đánh dấu chọn khi đăng ký.

Thứ tự thi của bài thi này là lý, hóa, sinh. Khi thi, bạn chỉ cần làm bài hai môn lý và sinh. Vì hai bài thi này nằm trong bài thi khoa học tự nhiên, thi cùng một buổi nhưng không liên tiếp nhau, nên sau khi làm bài môn vật lý bạn phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi.

Thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, úp phiếu trả lời trắc nghiệm xuống mặt bàn và bảo quản phiếu trả lời trắc nghiệm trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.

Trường hợp đặc biệt, thí sinh ra ngoài phòng thi phải được phép của cán bộ coi thi; thí sinh phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi, thí sinh ra ngoài phòng thi dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.

* Kỳ tuyển sinh ĐH sắp tới đây em có nguyện vọng muốn xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân. Bên cạnh đó em cũng có ý định xét tuyển vào Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM. Trong trường hợp em không đủ khả năng xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, em phải làm hồ sơ xét tuyển như thế nào? Có được xét tuyển cùng lúc hai trường không, hay phải theo thứ tự nguyện vọng?

(Nguyễn Ngọc Thành Danh)

- Nếu muốn xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, bạn phải làm thủ tục sơ tuyển tại công an quận, huyện nơi mình có hộ khẩu thường trú. Nếu đạt yêu cầu mới được xét tuyển. Khi bạn đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017, bạn cần đăng ký nguyện vọng vào hai trường ĐH Cảnh sát nhân dân và Học viện Hành chính. Trong đó, ĐH Cảnh sát nhân dân là ưu tiên 1, Học viện Hành chính là ưu tiên 2.

Khi xét tuyển, các trường sẽ xét tuyển cùng lúc, theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng mà bạn đã đăng ký, ưu tiên 1 xét trước, không trúng tuyển mới đến ưu tiên 2, ưu tiên 3...

Thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một trường. Nếu bạn đủ điểm đậu vào ĐH Cảnh sát nhân dân, bạn sẽ trúng tuyển. Nếu không đủ điểm, Học viện Hành chính sẽ tự động xét tuyển cho bạn (dựa trên nguyện vọng bạn đã đăng ký), không cần phải làm hồ sơ xét tuyển gì cả.

Nếu trúng tuyển vào trường nào, bạn cần xác nhận nhập học vào trường đó (gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh về trường) trong thời gian quy định.

* Nếu em đăng ký vào các trường tuyển sinh theo hình thức xét học bạ thì có cần dự thi THPT quốc gia không, hay chỉ làm những giấy tờ cần thiết mà trường yêu cầu? (Mỹ Ngọc)

- Đối với việc xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng, thí sinh chỉ cần làm theo hướng dẫn của các trường. Thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì vào trang web của trường đó để biết các quy định cụ thể, các giấy tờ phải nộp và thời gian xét tuyển.

Tuy là xét tuyển riêng nhưng thí sinh muốn xét tuyển cũng phải tốt nghiệp THPT. Do vậy bạn cần phải đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 với mục đích chỉ xét tốt nghiệp THPT (dự thi ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn). Bạn không cần phải dự thi các môn khác để xét tuyển ĐH. Nếu đã tốt nghiệp THPT từ năm 2015 trở về trước thì không cần phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

* Qui trình làm bài thi Tổ hợp như thế nào

Trả lời:
Bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là bài thi mà các sĩ tử hết sức cần lưu ý. Và quy trình để làm bài thi tổ hợp đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể.

Khi thí sinh lớp 12 đăng ký bài thi tổ hợp có nghĩa là phải thi tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó. Vì vậy nắm rõ hướng quy trình để đảm bảo cho bài thi của mình nhé!

Kiểm tra kỹ đề thi trước khi làm bài

Thí sinh lưu ý, ngay sau khi phát đề cho thí sinh, cán bộ coi thi (CBCT) yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi: nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, phải lập tức báo cho CBCT để kịp thời xử lý; nếu không phát hiện hoặc để quá 10 phút sau khi phát đề mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.

Thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2016-2017 ĐKDT bài thi tổ hợp nào thì phải thi tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó. Thí sinh làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo Lịch thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN). Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp, CBCT mới thu Phiếu TLTN.

Việc phát Phiếu TLTN và hướng dẫn thí sinh điền đủ thông tin vào các mục trên Phiếu TLTN của bài thi tổ hợp được thực hiện tương tự như phát Phiếu TLTN của các bài thi trắc nghiệm khác. Lưu ý, các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi; thí sinh ghi mã đề thi này trên Phiếu TLTN để theo dõi;

Thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài môn thi thành phần, không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi Sinh học và Giáo dục công dân của bài thi tổ hợp; không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với các bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Quy trình làm bài thi của thí sinh tự do và thí sinh Giáo dục thường xuyên

Thí sinh GDTX thi bài thi KHXH, thí sinh tự do, được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số Điểm thi do Giám đốc sở GDĐT quyết định. Theo đó, thí sinh thi cả 3 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp: Tổ chức coi thi như học sinh THPT.

Thí sinh thi 2 môn thi thành phần liên tiếp: (bao gồm cả thí sinh GDTX thi bài thi KHXH): CBCT và thí sinh có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút để làm công tác chuẩn bị. Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất của mình, thí sinh phải dừng bút, CBCT thu đề thi và giấy nháp của thí sinh, sau đó CBCT phát đề thi môn thi thành phần tiếp theo và giấy nháp mới đúng Lịch thi.

Khi hết giờ làm bài môn thi thành phần thứ 2, CBCT thu đề thi và giấy nháp của thí sinh (trừ môn thi Sinh học và Giáo dục công dân) và cho thí sinh ra về dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.

Thí sinh thi 2 môn thi thành phần không liên tiếp: CBCT và thí sinh có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút để làm công tác chuẩn bị. Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp cho CBCT. Thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, úp Phiếu TLTN xuống mặt bàn và bảo quản Phiếu TLTN trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.

Trường hợp đặc biệt, thí sinh ra ngoài phòng thi phải được phép của CBCT, thí sinh này phải nộp Phiếu TLTN cho CBCT; thí sinh ra ngoài phòng thi dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.

Thí sinh chỉ thi 1 môn thi thành phần: CBCT và thí sinh có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút để làm công tác chuẩn bị. Ngay sau khi hết giờ làm bài, CBCT thu Phiếu TLTN, thu đề thi và giấy nháp của thí sinh (trừ các môn thi Sinh học và Giáo dục công dân) và cho thí sinh ra về dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.

 

Nguồn: Tổng hợp