Điện thoại: 024 38.387.717

Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UB về Năm trật tự văn minh đô thị 2015

Cập nhật: 08 Tháng Tám 2020 3:02:03 CH
Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ, ngày 05/01/2015 của Ban Chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị” về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2014 của UBND thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị” năm 2015...

KẾ HOẠCH
Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UB ngày 02/01/2014 
của UBND Thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị ” năm 2015

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ, ngày 05/01/2015 của Ban Chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị” về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2014 của UBND thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị” năm 2015;
Căn cứ nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 và thực tiễn giáo dục của các nhà trường trên địa bàn Thành phố, Sở GD&ĐT xây dựng Kế hoạch Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UB ngày 02/01/2014 và Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 05/01/2015 về “Năm trật tự và văn minh đô thị” năm 2015 (Chỉ thị 01) như sau: 
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.
1. Mục đích. 
- Duy trì kết quả đạt được trong năm 2014 và tiếp tục triển khai, phát huy các nội dung của Chỉ thị 01 trong năm học 2014 - 2015 nhằm tạo cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp trong các nhà trường, thân thiện với học sinh sinh viên.
- Giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên và phụ huynh học sinh thấy rõ tầm quan trọng trong công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Trong đó, chú trọng hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật, truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, sống trung thực, lành mạnh cho học sinh sinh viên trong các nhà trường. 
- Nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nếp sống văn minh thanh lịch, văn hóa học đường, nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần giảm tai nạn thương tích và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
2. Yêu cầu.
- Duy trì và tăng cường xây dựng cảnh quan sư phạm ở các nhà trường và các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ gắn với việc giảng dạy hiệu quả Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh Thủ đô. 
- Chú ý lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn nhà trường và các cơ sở giáo dục. 
- Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn, đội cùng cấp và cha mẹ học sinh. 
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM.
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục. 
- Đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền về các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng “Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"; “Xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội - văn minh, thanh lịch” và các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
- Thực hiện Kế hoạch số 140/KH-UBND, ngày 06/8/2014 của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09/6/2014 của Chính phủ và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 17/02/2014 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về ”Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí đưa nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật, đạo đức, nếp sống văn minh, thanh lịch tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên và cộng đồng.
- Triển khai thực hiện kế hoạch số 10827/KH-SGD&ĐT ngày 03/11/2014 của Sở GD&ĐT về kế hoạch tuyên truyền biển, đảo giai đoạn 2016 - 2020 ngành GD&ĐT.                                              
1.1. Nội dung tuyên truyền, giáo dục. 
- Lòng yêu nước, tự hào dân tộc; chủ quyền quốc gia, biển đảo; 
- Giá trị truyền thống và văn hoá Người Hà Nội; 
- Tiêu chí học sinh sinh viên thanh lịch; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và văn hoá giao thông;
- Ý thức thực hiện pháp luật; tham gia có hiệu quả các hoạt động: Bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội…
2.2. Hình thức tuyên truyền, giáo dục.
- Tổ chức truyền thông, tọa đàm, giao lưu, hội thảo, chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt đầu tuần, bài thi tìm hiểu…;
- Sử dụng hệ thống thông tin đại chúng trong và ngoài nhà trường: Đài phát thanh, tập san, bảng tin…;
- Tiến hành hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan (băng zôn, cờ phướn, khẩu hiệu…).
        2. Công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên
  - Thực hiện hiệu quả kế hoạch 8622/KH-SGD&ĐT ngày 27/8/2013 của Sở GD&ĐT về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2013 - 2016. Trong năm 2015 chú trọng kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức; lồng ghép hoạt động PBGDPL với các cuộc vận động, các phong trào thi đua và các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2015.
- Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục pháp luật trong các môn học chính khoá theo quy định của Bộ GD&ĐT; Tích hợp có hiệu quả trong các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp các nội dung giáo dục pháp luật về chủ quyền biển đảo, môi trường, giao thông, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội…; đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục học sinh sinh viên thực hiện Luật giao thông đường bộ, Luật bảo vệ môi trường, Bộ luật hình sự nhằm giúp học sinh sinh viên nhận thức đúng đắn mối quan hệ cá nhân mình với cộng đồng xã hội, giữa con người với thiên nhiên; tổ chức giảng dạy hiệu quả Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh. Từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và thực hiện quyền công dân trong các mặt hoạt động của đời sống cho học sinh sinh viên.
- Duy trì và phát huy hiệu quả các cuộc thi tìm hiểu Pháp luật, tìm hiểu về những giá trị truyền thống; đặc biệt quan tâm công tác tìm hiểu chủ quyền biển đảo. Từ đó tiếp tục giáo dục học sinh sinh viên ý thức tìm hiểu giá trị các di tích lịch sử văn hóa cách mạng của địa phương và đất nước nhằm tạo dựng tình yêu, niềm tự hào về đất nước và Thủ đô ngàn năm văn hiến;
- Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt tại phòng truyền thống của nhà trường cho học sinh sinh viên nhằm giới thiệu và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên nhà trường, của ngành giáo dục; góp phần thúc đẩy tinh thần tu dưỡng đạo đức và ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện của học sinh sinh viên;
- Tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường và nơi công cộng. Chú trọng, nâng cao giáo dục văn hoá giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, với thiên nhiên, môi trường; trong đó những hành vi như biết chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, thực hiện văn hoá giao thông, nói lời cám ơn, xin lỗi, biết thông cảm và sẻ chia… cần được giáo dục thường xuyên, đánh giá cụ thể theo nội quy nhà trường để khen, chê rõ ràng đạt hiệu quả giáo dục cao.  
- Phối hợp với Hội khuyến học, Ban đại diện cha mẹ học sinh thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 yếu tố gia đình – nhà trường – xã hội. Từ đó giáo dục học sinh ý thức xây dựng gia đình hiếu học, gia đình văn hoá, tạo môi trường giáo dục tốt cho học sinh.  
3. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống tai nạn thương tích và giáo dục trật tự an toàn giao thông.
- Duy trì giao ban công tác an ninh trường học theo Quy chế phối hợp  giữa Sở GD&ĐT và Công an TP về phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội.  
- Thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 20/CTPH/CATP-SGD&ĐT-SGTVT/TĐHN, ngày 14/9/2014 giữa Công an TP, Sở GD&ĐT, Sở GTVT và Thành Đoàn Hà Nội về đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên Thủ đô giai đoạn 2013 - 2018. Trong đó chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha, mẹ học sinh về một số nội dung cụ thể:
 Học sinh chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển xe mô tô, xe máy từ 50 phân khối trở lên tham gia giao thông và đi đến trường;
Ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm theo quy định;
Khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện không được ngồi từ 3 người trở lên, đi đúng phần đường quy định, không tổ chức đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, vi phạm luật khi tham gia giao thông;
Khi tham gia giao thông bằng xe đạp không được đi dàn hàng ngang và phải đi đúng phần đường quy định;
Đi bộ phải đi đúng phần đường quy định, khi qua đường phải đúng nơi quy định dành cho người đi bộ theo chỉ dẫn của vạch kẻ đường cho người đi bộ và tín hiệu đèn giao thông;
Khi tan học, học sinh không được đứng tụ tập ở cổng trường; cha, mẹ đi đưa và đón con tập kết đúng nơi quy định không để ùn tắc giao thông ở cổng trường.
- Triển khai Quy chế phối hợp số 281/QCPH/SGD&ĐT-SCSPC&CC ngày 25/4/2014 giữa Sở GD&ĐT và Sở Cảnh sát PC&CC phối hợp về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.
4. Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương.
- Xây dựng mô hình trường học an toàn, xanh, sạch, đẹp, lớp học có đủ ánh sáng theo tiêu chuẩn quy định, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Phấn đấu năm 2015 xây dựng thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong xây dựng đảm bảo an toàn, trật tự, đúng kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức cho cán bộ giáo viên và học sinh trồng cây đầu xuân Ất Mùi, có kế hoạch chăm sóc cây thường xuyên, phấn đấu mỗi trường nội thành trồng 5 cây, mỗi trường ngoại thành trồng 10 cây xanh.
- Khuyến khích mỗi trường đều nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hoá hoặc di tích cách mạng ở địa phương, góp phần làm cho di tích ngày một sạch đẹp hơn, hấp dẫn hơn; tuyên truyền, giới thiệu các công trình di tích của địa phương với bạn bè.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN.
Các cơ sở quản lý giáo dục và trường học sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch trong nguồn ngân sách hàng năm được cấp cho các hoạt động giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý nhà nước hiện hành; hoặc huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo.
 - Thành lập Ban chỉ đạo cấp ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong Ban chỉ đạo.
- Giao phòng công tác học sinh sinh viên là đơn vị thường trực tham mưu giúp Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện triển khai kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ, tổng hợp số liệu, sơ kết, tổng kết và gửi báo cáo về Ban chỉ đạo thành phố theo quy định.
- Các phòng, ban cơ quan Sở cử các thành viên tham gia Ban chỉ đạo và có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các trường học và cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện các nội dung của Kế hoạch, hàng tháng có báo cáo nhanh đánh giá kết quả của cấp học gửi về phòng thường trực tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo thành phố. Văn phòng Sở có kế hoạch xây dựng thêm phòng làm việc, công trình vệ sinh cho cán bộ trong cơ quan.  
2. Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã.
Căn cứ tình hình địa phương xây dựng kế hoạch của đơn vị, hướng dẫn các trường học thuộc quyền quản lý xây dựng kế hoạch theo các nội dung; tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch sơ kết, tổng kết kịp thời, tuyên dương khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc và tổng hợp kết quả báo cáo gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo đúng thời gian quy định.
3. Các trường học và đơn vị trực thuộc. 
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn của nhà trường, xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết, tuyên dương khen thưởng tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc; tổng hợp kết quả, báo cáo gửi về Sở GD&ĐT đúng thời gian quy định.
Phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết hàng quán tại cổng trường, quán Internet, việc bố trí đưa đón con trách ùn tắc giao thông . . .
 Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã và cụm trưởng các Trường THPT, TTGDTX, Chuyên nghiệp tổng hợp báo cáo kết quả công tác triển khai kế hoạch về Sở GD&ĐT qua phòng Công tác HSSV - Sở GD&ĐT 81 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội và địa chỉ  email: hssv@hanoiedu.vn  trong tuần thứ hai của các tháng 3, tháng 6, tháng 9, và tháng 12 năm 2015. 
Sở GD&ĐT đề nghị các cấp quản lý giáo dục, các đơn vị trường học trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, xin liên hệ với Sở GD&ĐT, 81 phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội qua phòng Công tác học sinh sinh viên điện thoại 0439411232.